Công an Đông Sơn ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Với mục tiêu chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn kịp thời không để tội phạm lừa đảo lợi dụng sự sơ hở, nhẹ dạ cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, thời gian qua Công an huyện Đông Sơn đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ và Công an các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, cảnh báo trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân hiểu và cảnh giác, phòng ngừa…

Với phương châm, công tác tuyên truyền phải “Nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, xuyên suốt và phải đến được với người dân” từ năm 2023 đến nay, Công an huyện Đông Sơn đã tham mưu, phối hợp và chỉ đạo Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện lập 94 nhóm Zalo, 15 trang Fanpape facebook, trong đó 100 % công an xã, thị trấn đều có các nhóm Zalo kết nối trực tiếp với từng khu phố, địa bàn dân cư phụ trách qua đó đã mở rộng được phạm vi, đối tượng tiếp nhận thông tin tuyên truyền; nội dung tuyên truyền cũng gần gũi, dễ tiếp cận, dễ hiểu và truyền tải xuyên suốt từ huyện đến xã, thị trấn và từng người dân.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo nên người dân đã nhận diện và cảnh giác phòng ngừa không bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Minh chứng cho điều này, đó là chỉ tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay, lực lượng Công an huyện Đông Sơn đã ngăn chặn kịp thời 6 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Công an huyện Đông Sơn tuyên truyền cảnh báo cho người dân biết nắm rõ thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Điển hình như, ngày 04/5/2024, anh Lê Quang Lâm, sinh năm 1990 ở thôn Phú Minh, xã Đông Hoà, huyện Đông Sơn nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ Công an huyện thông báo thông tin cá nhân của anh trên dữ liệu quốc gia Vneid bị thiếu và yêu cầu anh lâm gọi lại để cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Do được Công an xã Đông Hoà và Công an huyện Đông Sơn tuyên truyền, cảnh báo nhiều về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nên anh Lâm đã nghi ngờ và cảnh giác không cung cấp các thông tin cá nhân, sau đó liên hệ với Công an xã Đông Hoà để trình báo sự việc. 

Cũng như anh Lâm, chị Thiều Thị Dung ở xã Đông Tiến, chị Trần Thị Uyên ở xã Đông Minh và anh Lê Minh Năm ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn cũng bị các đối tượng gọi điện giả danh lực lượng công an yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ cá nhân để nâng mã định danh mức 2, hay như anh Lê Văn Khang, ở xã Đông Thanh và bà Nguyễn Thị Ngát, ở xã Đông Hoà thì bị các đối tượng gọi điện thông báo số điện thoại cá nhân đang bị sử dụng để làm ăn phi pháp, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác và những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị, những người dân này đã không hoang mang, lo lắng mà vẫn bình tĩnh xử lý tình huống, do đó đã không “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới, xong cách thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng liên tục thay đổi và ngày càng tinh vi nhằm thao túng tâm lý và “bẫy” những người dân nhẹ dạ cả tin. Do đó mỗi người dân cần phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội và luôn đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm. Đừng để lòng tin và sự thiếu hiểu biết khiến mình vô tình trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường từ những cuộc điện thoại, trang mạng lạ câu nhử, đe dọa, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn pháp luật, can thiệp và bảo vệ kịp thời./.

Tác giả: Minh An
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu